Lịch sử tín dụng là một trong những yếu tố quan trọng giúp các đơn vị cho vay đánh giá người vay, do đó nó cũng tác động trực tiếp đến khoản vay online hay vay trực tiếp về cả lãi suất, hạn mức và thời gian vay.
Tại sao nó lại quan trọng đến vậy, điểm tín dụng do ai chấm, có thể kiểm tra bằng cách nào? Có cách nào để cải thiện điểm này hay không và làm như thế nào? Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn kiểm tra lịch sử tín dụng cá nhân nhanh nhất mà không cần mất quá nhiều thời gian thao tác.
Thông tin quan trọng cần biết về lịch sử tín dụng cá nhân
Tầm quan trọng của lịch sử tín dụng là không thể phủ nhận, trong đó nó tác động trực tiếp đến hầu hết mọi yếu tố của khoản vay.
Giải thích lịch sử tín dụng cá nhân là gì?
Lịch sử tín dụng cá nhân của một người là tất cả những thông tin về khoản vay hợp pháp của người đó như số tiền vay, thời gian vay, đơn vị cung cấp khoản vay, thời gian trả nợ có đúng hạn hay không.
Khi bạn vay trong các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, ngân hàng hay những đơn vị có đầy đủ mã số thuế hợp pháp thì những thông tin về khoản vay của bạn sẽ được Trung tâm thông tin tín dụng CIC cập nhật và tổng hợp. Đây là một trong những thông tin quan trọng để các đơn vị cho vay đánh giá về mức độ tin cậy, khả năng thanh toán nợ của người vay.

Cách thức và vai trò hoạt động của trung tâm tín dụng
Đơn vị này có tên tiếng anh là Credit Information Center (viết tắt là CIC), là tổ chức do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý, có trách nhiệm thu nhận và xử lý các thông tin tín dụng nhằm lưu trữ thông tin, hạn chế rủi ro về tín dụng, sau đó chấm điểm và xếp loại theo thang điểm từ 1 đến 5 cho mỗi người.

Khi một người phát sinh các giao dịch vay và thanh toán nợ tại các đơn vị có thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ, khi đó trung tâm CIC sẽ cập nhật những thông tin mới về khoản vay đó. Thông tin này sẽ được xử lý và đánh giá trở thành những thang điểm quan trọng mà bất cứ ngân hàng, tổ chức tài chính nào cũng kiểm tra trước khi xét duyệt khoản vay.
5 nhóm nợ xấu trong lịch sử tín dụng
Để thuận tiện cho việc đánh giá những người vay tiền cá nhân, CIC đã tạo nên thang chấm điểm bằng 5 nhóm nợ quy định như sau:
- Nhóm 1: Dư nợ đủ chuẩn: người vay thanh toán đúng thời hạn hoặc trễ hạn không quá 10 ngày và có khả năng thu hồi toàn bộ gốc và lãi quá hạn.
- Nhóm 2: Dư nợ cần chú ý: người vay có những khoản nợ được gia hạn lần 1, hoặc người vay trễ hạn thanh toán từ 10 đến 90 ngày.
- Nhóm 3: Dư nợ dưới tiêu chuẩn (nợ xấu): người vay trễ thanh toán từ trên 90 đến 180 ngày khi không gia hạn, hoặc gia hạn lần 1 nhưng vẫn trễ hạn dưới 30 ngày, hoặc gia hạn lần 2, hoặc người vay được miễn giảm lãi do không đủ điều kiện thanh toán đầy đủ theo hợp đồng.
- Nhóm 4: Nợ nghi ngờ mất vốn (nợ xấu): người vay quá hạn từ trên 180 ngày đến 360 ngày, hoặc đã được gia hạn lần đầu nhưng vẫn quá hạn từ 30 – 90 ngày, hoặc gia hạn 2 lần nhưng vẫn quá hạn dưới 30 ngày.
- Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn (nợ xấu): người vay thanh toán trễ hạn từ 360 ngày trở lên, sau khi gia hạn lần đầu trễ hạn từ 90 ngày trở lên, hoặc sau khi gia hạn lần hai trễ hạn 30 ngày trở lên, hoặc gia hạn lần 3 trở lên.

Tại sao lịch sử tín dụng cá nhân lại quan trọng
Lịch sử tín dụng là một công cụ giúp cho các công ty, tổ chức tài chính xem xét mức độ uy tín của khách hàng trước khi quyết định có cung cấp khoản vay cho người đó hay không cũng như ảnh hưởng tới mức lãi suất, thời gian vay và giá trị khoản vay.
Một người có lịch sử tín dụng tốt trong nhóm 1 có thể tiếp cận khoản vay sớm hơn, có hạn mức vay tối đa cao hơn và thời gian vay, lãi suất cũng ưu đãi hơn. Khi có CIC rơi vào nhóm 3, một số nơi có thể từ chối hồ sơ vay của bạn, lãi suất cũng cao hơn. Nếu ở nhóm 4 và 5, khả năng vay được vốn của bạn tại các ngân hàng lớn sẽ gần như bằng 0 và chỉ một số công ty tài chính cung cấp khoản vay với mức lãi suất cao.
Không chỉ vậy, mọi công ty, tổ chức tài chính đề có thể tra cứu lịch sử tín dụng của bạn, giống như một bản lý lịch không thể chỉnh sửa. Và “bản lý lịch” này sẽ theo bạn, được cập nhật liên tục, chính xác, và một khi rơi vào nợ xấu thì sẽ phải chờ rất lâu mới được xóa nợ xấu.
Khi nào cần kiểm tra lịch sử tín dụng cá nhân
Lịch sử tín dụng rất quan trọng, do đó bạn nên kiểm tra thường xuyên để biết tình hình tín dụng của mình, tuy nhiên bắt buộc phải kiểm tra sau khi thanh toán các khoản nợ và trước khi vay tiền.
CIC cập nhật bao lâu một lần
CIC hoạt động rất minh bạch dưới sự quản lý nghiêm ngặt của ngân hàng Nhà nước và pháp luật, do đó thời gian cập nhật lịch sử tín dụng cũng được quy định rõ ràng trong thông tư số 03/2013/TT-NHNN. Theo đó, những hoạt động tín dụng của người vay sẽ được cập nhật mỗi tháng một lần, chậm nhất sau 5 ngày làm việc đầu tiên của tháng kế tiếp.

Kiểm tra tình trạng thanh toán các khoản nợ
Khi bạn có một khoản vay nào đó, bạn sẽ cần kiểm tra lịch sử tín dụng sau 1 tháng thanh toán/ tất toán để kiểm tra xem ngân hàng/ tổ chức tài chính có cập nhật chính xác thông tin thanh toán của bạn hay không.
Việc nhầm lẫn, sai sót dù ở phía bạn hay phía ngân hàng đều có thể xảy ra, do đó cần kiểm tra điểm CIC thường xuyên để phát hiện sai sót đồng thời có biện pháp xử lý, sửa chữa nhanh nhất tránh để ảnh hưởng các khoản vay. Việc cập nhật và nắm được tình hình tín dụng của mình một cách chính xác cũng được đánh giá là rất quan trọng đối với những người có nhu cầu vay vốn.
Kiểm tra trước khi vay tiền
Đây là thời điểm bắt buộc kiểm tra lịch sử CIC, dù bạn không kiểm tra thì ngân hàng chắc chắn cũng sẽ kiểm tra và thông báo cho bạn về điểm tín dụng của bạn khi làm hồ sơ và tư vấn các khoản vay phù hợp cho bạn.
Bạn có thể yêu cầu nhân viên ngân hàng để được xem chi tiết lịch sử tín dụng, tuy nhiên một số ngân hàng có thể chỉ cung cấp chung chung bạn đang ở nhóm nợ nào, có đủ điều kiện vay hay không và được vay tối đa bao nhiêu.

Hướng dẫn kiểm tra lịch sử tín dụng cá nhân mới và chính xác nhất
Kiểm tra điểm tín dụng không khó và có nhiều hình thức như kiểm tra tại app CIC, tại ngân hàng, tại các tổ chức tín dụng, tuy nhiên cách thức và thời gian kiểm tra có thể khác nhau.
Kiểm tra lịch sử tín dụng cá nhân qua app CIC
CIC có cả app cho điện thoại di động và website để bạn kiểm tra lịch sử tín dụng của mình, cụ thể cách kiểm tra qua app như sau:

Kiểm tra lịch sử tín dụng cá nhân tại ngân hàng khi có nhu cầu vay tiền
Khi bạn làm hồ sơ vay tiền tại các ngân hàng, nhân viên ngân hàng sẽ tự động kiểm tra CIC của bạn có đủ điều kiện vay hay không và được vay bao nhiêu. Lúc này, bạn có thể đưa ra yêu cầu xem lịch sử cụ thể từng khoản mục.
Bạn cũng có thể khởi tạo yêu cầu vay trên các app mobile banking của các ngân hàng, để ngân hàng thẩm định lịch sử tín dụng của bạn và trả kết quả ngay trên app, tuy nhiên cách này mất nhiều thời gian (có thể lên đến 7 ngày làm việc).
Kiểm tra tại các công ty, tổ chức tín dụng
Ngoài tự kiểm tra và kiểm tra tại ngân hàng, bạn cũng có thể kiểm tra điểm tín dụng tại các công ty, tổ chức tài chính khi có nhu cầu vay tại các đơn vị này. Khi làm hồ sơ vay, các đơn vị này cũng sẽ kiểm tra lịch sử vay của bạn, tuy nhiên bạn cần yêu cầu xem điểm tín dụng của mình thì mới được cung cấp.

Kiểm tra lịch sử tín dụng cá nhân tại văn phòng tín dụng PCB
Đây cũng là một đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm tra điểm tín dụng, tuy nhiên bạn chỉ có thể thực hiện trực tiếp tại văn phòng và có thể mất phí. Để kiểm tra bằng hình thức này, bạn cần đến một trong hai cơ sở tại Hà Nội (phòng 1303B, 198 Trần Quang Khải, Phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) và thành phố Hồ Chí Minh (tại tầng 4, số 13-13 Bis Kỳ Đồng, Phường 9, Quận 3, HCM).
Một số lưu ý cần biết về điểm tín dụng cá nhân
Tầm quan trọng của điểm tín dụng là điều không thể phủ nhận, do đó việc cần thiết là giữ cho số điểm tín dụng luôn cao, không rơi vào các nhóm nợ xấu 3, 4 và 5. Để giữ điểm tín dụng luôn cao, người vay cần phải nỗ lực thanh toán khoản nợ đúng hạn, trong trường hợp không thể thanh toán đúng hạn cần tiến hành gia hạn và thanh toán sớm nhất có thể.
Đối với các khoản nợ cũ, người vay cần phải tất toán toàn bộ tiền gốc và lãi, không để lại dù chỉ 1000 đồng bởi nếu số tiền nợ là trên 0 đồng thì máy móc sẽ tính nợ xấu vào lịch sử tín dụng của bạn. Đồng thời, bạn cũng chỉ nên vay khi thực sự cần thiết, không vay từ quá nhiều tổ chức khác nhau và không vay hộ người khác.
Lịch sử tín dụng được đánh giá trên nhiều yếu tố, trong đó thời gian thanh toán là quan trọng nhất. Người chưa từng vay tiền không hẳn có lịch sử tín dụng tốt, mà điều này vô tình khiến độ uy tín của bạn chưa từng được kiểm chứng, thay vào đó nếu bạn có một vài khoản vay và luôn trả đúng hạn thì sẽ tốt hơn.

Kết luận
Điểm tín dụng hay điểm CIC là vô cùng quan trọng, tác động trực tiếp đến khả năng vay vốn và các điều kiện liên quan đến khoản vay của bạn, do đó hãy giữ cho điểm tín dụng luôn cao bằng cách thanh toán đúng hạn, kiểm tra thường xuyên, chỉ vay khi thực sự cần thiết và không vay tại nhiều đơn vị khác nhau.
Để kiểm tra lịch sử tín dụng cá nhân, bạn có thể dùng những cách như kiểm tra tại web hoặc app của trung tâm CIC, kiểm tra tại ngân hàng và các công ty tài chính theo hướng dẫn trên đây. Những cách kiểm tra này khác nhau ở nơi kiểm tra và thời gian chờ, do đó bạn có thể chọn lựa phương pháp kiểm tra phù hợp nhất với bản thân thông qua những điều kiện này.